Thứ năm, ngày 21 tháng 10 năm 2021
Dự án EUNIC với chủ đề “Tái thiết di sản công nghiệp” do Viện Pháp tại Việt Nam lên ý tưởng và tập hợp được sự tham gia của 7 thành viên EUNIC (Viện Goethe, Hội đồng Anh, Phái đoàn Wallonia Brussels, Đại sứ quán Ý, Đại sứ quán Hà Lan, Đại sứ quán Tây Ban Nha, Đại sứ quán Hungary), phái đoàn EUNIC (Phái đoàn EU tại Việt Nam), 4 đối tác địa phương: Đại học Kiến trúc Hà Nội, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống, tổ chức Heritage Space, Doanh nghiệp xã hội bền vững VSSE, 3 đối tác chuyên gia: UNESCO Việt Nam, Hanoi Ad Hoc, PRX Việt Nam và 5 đơn vị hỗ trợ khác là Đại sứ quán Thụy Điển, Bộ Cộng hòa Séc, Đại sứ quán Romania, Undecided Production và Đại sứ quán Ba Lan.
Dự án này nhằm thúc đẩy hợp tác văn hóa giữa các thành viên EUNIC và các đối tác Việt Nam thông qua việc chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm và đối thoại các bên về tái thiết di sản công nghiệp hướng tới các không gian văn hóa và sáng tạo tại Hà Nội. Dự án gợi mở các mô hình khác nhau về tái thiết lập di sản công nghiệp với các không gian văn hóa và nghệ thuật từ sự đóng góp của các thành viên EUNIC để hướng tới các cuộc đối thoại và nỗ lực vận động khác nhau do các đối tác địa phương dẫn dắt nhằm nâng cao nhận thức về các cơ hội, sự cần thiết và khả năng tồn tại để đưa các di sản công nghiệp vào các hoạt động sáng tạo khác nhau và các không gian văn hóa thay vì chỉ có một lựa chọn là phá hủy chúng để xây nên các căn hộ thương mại. Mục tiêu chung của dự án là thúc đẩy các ý tưởng tái thiết đô thị từ các cơ sở công nghiệp cũ với sự tham gia của các đối tác quốc tế, đối tác Việt nam và các đơn vị truyền thông.
Tọa đàm với chủ đề “Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội – Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp” là một hoạt động trong khuôn khổ của dự án EUNIC “Tái thiết di sản công nghiệp”.
Mục tiêu của toạ đàm:
– Giới thiệu cơ sở, mục đích, khái niệm và các hoạt động của dự án “Tái thiết di sản công nghiệp” và vai trò của các đối tác EU quan tâm đến dự án.
– Báo cáo kết quả nghiên cứu sơ bộ của nhóm Dự án (bộ công cụ đánh giá các ví dụ của các nước EU và thực trạng di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam).
– Trao đổi để tìm ra cách tiếp cận thực tế cho Việt Nam và xây dựng mối quan hệ hợp tác với các bên liên quan.
Đối tượng hướng tới:
– Người quản lý nhà máy, chính quyền (cấp thành phố, quận, phường), chủ đầu tư,…
– Các nhà nghiên cứu, chuyên gia, trường Đại học, Hiệp hội (Viện, phòng, ban liên quan,…)
– Các tổ chức văn hóa, di sản, nghệ thuật.
– Các đại sứ quán
– Sinh viên
– Giới truyền thông và công chúng
CHƯƠNG TRÌNH TỌA ĐÀM
Thời gian: 14:00 – 17:00 (giờ Hà Nội), thứ năm – ngày 21 tháng 10 năm 2021
Hình thức: online + livestream
Cụ thể:
Phần 1: Thực trạng di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội
Phần 2: Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về tái thiết không gian công nghiệp
Phần 3: Tương lai nào cho các không gian cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sau di dời? (Thuyết trình và thảo luận chuyên đề)
Chủ đề 1: Giá trị Kiến trúc, Di sản và Văn hóa của các khu công nghiệp trong thành phố
Chủ đề 2: Các chính sách, cách tiếp cận quản lý đối với các cơ sở công nghiệp chuyển đổi
Chủ đề 3: Ý tưởng cải tiến, sáng kiến cho các cơ sở công nghiệp được chuyển đổi