Hơn 500 khán giả là các chuyên gia, nhà khoa học, Kiến trúc sư, nhà nghệ thuật và sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, Kiến trúc tiên tiến đã tham dự Hội thảo chuyên đề “Living with nature” cùng đại Kiến trúc sư, Giáo sư người Nhật Kengo Kuma vào sáng 29/2 tại Nhà thi đấu Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sự kiện có sự hiện của GS. Satoko Shinohara – Hiệu trưởng Đại học Nữ sinh Nhật Bản; ông Jim Oyamada – đại diện Công ty Bất động sản Nomura, Nhật Bản. PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS.KTS. Lê Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trưởng Ban tổ chức chương trình.
Kiến trúc sư Kengo Kuma là giáo sư giảng dạy tại Khoa Sau đại học – Trường Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông có nhiều công trình nổi tiếng trên khắp thế giới, từ Tokyo, Bắc Kinh đến Paris với triết lý dùng kiến trúc làm nền tảng kết nối con người với thiên nhiên. Kengo Kuma ưa thích sử dụng các vật liệu như gỗ, kính vào thiết kế kiến trúc, đồng thời hướng đến sự bền vững trong cách khai thác sử dụng, nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ của nhân loại và môi trường tự nhiên. Các công trình nổi tiếng mà ông đã và đang thực hiện như: Tháp 1550 Alberni Street Tower tại Canada, Bảo tàng GS tại Aichi Nhật Bản, Bảo tàng Nghệ thuật tại Hàng Châu Trung Quốc, Thành phố Văn hóa Nghệ thuật BESANCON tại Pháp, Bảo tàng Meiji Jingu, Tokyo (nơi tôn kính dành riêng cho Hoàng đế Meiji và Hoàng hậu Shoken) hay sân vận động Quốc gia Nhật Bản năm 2019 (sân vận động chính phục vụ cho Olympic 2020 tại Thủ đô Tokyo) với những yếu tố đặc biệt liên quan đến kiến trúc xanh, tối giản nhưng không kém phần tinh tế khi lồng ghép các yếu tố văn hóa của Xứ sở Hoa Anh Đào vào trong nghệ thuật kiến trúc. Công trình được đầu tư với số vốn lên đến 1,4 tỷ USD.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS.KTS. Lê Quân – Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng: Bối cảnh toàn cầu hóa hướng đến phát triển bền vững đã tác động đến tất cả các lĩnh vực, trong đó có Kiến trúc. KTS. Kengo Kuma là người luôn quan tâm và có quan điểm rõ ràng về đào tạo kiến trúc sư trong lĩnh vực biến đổi toàn cầu hóa. Vì vậy, góc nhìn, quan điểm triết lý của giáo sư sẽ là những gợi ý xác đáng, thuyết phục và truyền cảm hứng cho các em sinh viên, các kiến trúc sư đang hành nghề trong bổi cảnh biến đổi toàn cầu và phát triển bền vững.
Cũng theo PGS.TS.KTS. Lê Quân, Hội thảo Kiến trúc với sự hiện diện của kiến trúc sư lớn trên thế giới là cơ hội đáng quý để học hỏi và có những góc nhìn mới rộng mở mang tính chiến lược hơn. KTS Kengo Kuma không chỉ là một trong những kiến trúc sư biểu tượng của nền kiến trúc đương đại thế giới mà còn là một nhà giáo dục. Vì vậy, sự xuất hiện và kiến thức, triết lý sáng tạo của giáo sư chắc chắn là những góc nhìn, những bài học mang giá trị lớn cho sinh viên và các kiến trúc sư đang hành nghề.
Tại Hội thảo, bằng minh họa trực tiếp và chi tiết về các công trình, dự án kiến trúc đã được hiện thực hóa trên khắp thế giới của mình và các cộng sự, KTS. Kengo Kuma đã khắc họa và truyền cảm hứng rất lớn việc sử dụng các chất liệu thiên nhiên và tái sử dụng trong các thiết kế của mình. Trong những thiết kế của ông, thiên nhiên, truyền thống văn hóa Nhật Bản và trên hết là sự kết nối, mối liên hệ giữa cảnh quan, kiến trúc và con người được phân tích kỹ lưỡng và chặt chẽ. Từ thiết kế sàn nhà, tòa nhà và nội thất đều chứa đựng các ý đồ của kiến trúc sư, không chỉ ở công năng của công trình kiến trúc mà những yếu tố “không có ở nơi khác” hoặc “ít ai quan tâm tới” thì lại có trong các công trình của đại kiến trúc sư Kengo Kuma.
Ông luôn để ý và dành sự quan tâm tới các “không gian mở” dành cho công chúng có thể lui tới trong các công trình công cộng đúng nghĩa.
Hội thảo chuyên đề “Living with nature” cùng đại Kiến trúc sư, Giáo sư người Nhật Kengo Kuma thành công tốt đẹp mang đến kỳ vọng ngày càng có nhiều hơn những chuyên gia, những nhà khoa học, nhà nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới đến chia sẻ kinh nghiệm tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Đây cũng là tiền đề mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa Nhà trường và đối tác Nhật Bản trong tương lai.