ĐẠI BIỂU TRƯỜNG ĐẠI HỌC KIẾN TRÚC HÀ NỘI THAM DỰ HỘI NGHỊ QUỐC TẾ LIÊN NGÀNH “ĐÊM PHƯƠNG NAM” TẠI FEZ MA-RỐC

Trong 3 ngày 20, 21 và 22/9/2024, tại thành phố Fez, Maroc đã diễn ra Hội nghị Quốc tế liên ngành với chủ đề “Đêm Phương Nam”. Hội nghị quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các Trường Đại học danh tiếng trên toàn cầu ở nhiều lĩnh vực khác nhau (bao gồm Maroc, Ý, Pháp và Việt Nam) để thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống về đêm ở các quốc gia phía Nam toàn cầu. Các chuyên gia, giảng viên, nhà khoa học của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng đã có mặt tại Ma-rốc tham dự sự kiện này.

“Đêm Phương Nam” tập trung vào các lĩnh vực: Quy hoạch, Nhân học, Nghệ thuật, Kiến trúc, Luật, Địa lý, Kinh tế, Lịch sử, Khoa học kỹ thuật, Truyền thông, Khoa học chính trị, Xã hội học, Quy hoạch đô thị… Sự kiện được tổ chức trong không gian mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa tại Bảo tàng Nejjarine, – Một biểu tượng của di sản kiến trúc Ma-rốc.

Tại Hội nghị, các bài tham luận của TS.KTS. Lê Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền – Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; TS. Lê Thị Minh Phương – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ;  Ths.KTS. Vương Khánh Toàn – Giảng viên Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Pháp và ThS.KTS.HS. TrầnThị Thanh Thuỷ – Giảng viên Khoa Nội thất đã được lựa chọn để trình bày. Trong đó, TS.KTS. Nguyễn Thái Huyền đã được Đại học Sidi Mohamed Ben Abdellah Fes đài thọ và mời tham dự với tư cách là thành viên Hội đồng Khoa học và báo cáo viên tại Hội nghị.

Hội nghị liên ngành “Đêm Phương Nam” là cơ hội cho các nhà nghiên cứu thuộc các ngành khác nhau; các nghệ sĩ, lãnh đạo các Hiệp hội, các nhà hành nghề và các đại biểu dân cư từ nhiều Quốc gia được tiếp cận với các công trình nghiên cứu. Từ đó giúp hiểu rõ hơn sự phát triển của nông thôn và thành thị về đêm, cách sống và sinh hoạt về đêm ở các quy mô khác nhau tuỳ theo nền văn hoá, quốc gia, vùng lãnh thổ, thành phố để nhận định về tiến triển, sức ép, những bất bình đẳng về khả năng tiếp cận, cũng như các chiến lược phát triển hoặc bảo vệ ban đêm khỏi những tác nhân khác nhau cũng như để khảo sát về các mô hình chính quyền được đánh giá cao.

Vấn đề khía cạnh tương lai cũng được quan tâm tại Hội nghị, đặc biệt xoay quanh vai trò mới có thể có của màn đêm như một không gian hoạt động trước hiện tượng nóng lên toàn cầu.  Các nghiên cứu cũng tập trung vào các cách thức quan sát, phân tích khoảng không – thời gian cũng như xác định các xung đột trong quá trình sử dụng và đổi mới trong công việc ở các lĩnh vực khác nhau.

Việc được mời dự và tham gia tại sự kiện này cho thấy vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng tăng lên của Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trên phạm vi toàn cầu.