Sáng 19/7/2021, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh đã có buổi tiếp và làm việc với đại diện Đại sứ quán Cộng hòa Ba Lan do ngài Maciej Duszyriski – Phó Đại sứ dẫn đầu. Tham dự buổi làm việc có GS.TS. Trịnh Minh Thụ – Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi.
Tại buổi làm việc, PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh đã gửi lời chào nồng nhiệt tới đoàn công tác Đại sứ quán và Trường Đại học Thủy lợi sang thăm và làm việc tại Trường. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Anh cho biết, để có được những thành tựu như hôm nay, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác của Việt Nam đã học hỏi, vận dụng rất nhiều kiến thức thu nạp được từ nền giáo dục các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhiều cán bộ của Nhà trường từng tốt nghiệp tại các trường đại học nước bạn. Trong giai đoạn toàn cầu hóa hiện đại, các đối tác Cộng hòa Ba Lan vẫn không kém phần quan trọng trong chiến lược quốc tế hóa của Nhà trường. Do vậy, Nhà trường hy vọng có thể triển khai hợp tác với các Trường Đại học Ba Lan thông qua các hoạt động như trao đổi sinh viên, giảng viên, thực hiện các đề tài nghiên cứu chung, triển khai các chương trình đào tạo liên kết…
Tại buổi làm việc, đại diện 3 bên đã bàn tới việc tổ chức Hội thảo khoa học Quốc tế với chủ đề: “Kinh nghiệm Việt Nam – Ba Lan trong bảo quản hiện vật và bảo tồn di sản kiến trúc” dự kiến được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) và Kielce (Ba Lan) trong 2 ngày 11 và 12/10/2021 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ngôn ngữ hội thảo là tiếng Anh.
Hội thảo do Đại học Công nghệ Kielce là đơn vị tổ chức chính với mục đích tri ân những đóng góp to lớn của các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam trong khôi phục và bảo tồn các công trình di sản đang bị đe dọa tại Việt Nam, cũng như những nỗ lực của họ trong việc đào tạo và giáo dục thế hệ chuyên gia bảo tồn tiếp nối.
Theo PGS.TS.KTS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội thảo là cơ hội chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm quý báu về bảo tồn và công nghệ thu được trong các dự án nghiên cứu và trùng tu đã hoàn thành ở Ba Lan và Việt Nam.
Ngài Phó Đại sứ đánh giá cao thiện chí hợp tác của 3 bên và cho rằng cuộc gặp gỡ này thể hiện những định hướng cùng với chiến lược đào tạo, đồng thời bày tỏ mong muốn chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội lần này của sẽ mở ra một mối quan hệ hợp tác mới, hướng tới xây dựng những chương trình hợp tác về mọi mặt giữa Việt Nam và Ba Lan.
*Thông tin Hội thảo
Hội thảo gồm 03 phiên:
Phiên 1: 40 năm hợp tác Việt Nam – Ba Lan về bảo tồn;
Phiên 2: Tu bổ, tôn tạo các công trình lịch sử ở Ba Lan và Việt Nam;
Phiên 3: Công nghệ hiện đại và các vật liệu mới trong bảo tồn các công trình lịch sử.
Chúng tôi rất mong được các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn tham gia với các bài trình bày và tham luận tại Hội thảo. Hội đồng Khoa học của Hội thảo sẽ chọn ra những bài tham luận hay nhất để trình bày tại Hội thảo. Các bài tham luận khác sẽ được xuất bản trong kỷ yếu của Hội thảo. Ngôn ngữ hội thảo là tiếng Anh.
Thời hạn đăng ký và nộp bài tóm tắt:
Vui lòng gửi bài tóm tắt bằng tiếng Anh (200-300 từ) với định dạng văn bản doc, docx và bản sơ yếu lý lịch tóm tắt theo mẫu bên dưới cho Ban tổ chức trước ngày 30/6/2021.
Các tác giả sẽ được thông báo bằng email về việc bài tham luận được trình bày tại hội thảo hoặc bài tham luận được in trong kỷ yếu hội thảo.
Thời hạn nộp bài tham luận 15/9/2021
Mọi câu hỏi, thắc mắc vui lòng liên hệ với Ban tổ chức qua email: Phía Việt Nam: chauntm@hau.edu.vn, phía Ba Lan: mbaranski@tu.kielce.pl