BÁO CÁO KẾT QUẢ WORKSHOP “KHÁM PHÁ SƠN MÀI VIỆT”

Chiều 26/1/2024 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã diễn ra buổi báo cáo kết quả workshop với chủ đề “Khám phá sơn mài Việt”. Workshop được phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Deakin (Úc), Học viện Giáo dục Đại học Manipal (Ấn Độ) từ 10/1 – 26/1/2024.

Đến chúc mừng và chung vui cùng với tất cả các em sinh viên tham dự chương trình có sự xuất hiện của đại diện Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Giám đốc Cấp cao Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia (AUSTRADE) – Bà Hương Ngô; Tham tán về Giáo dục và Khoa học – Bà Jen Bahen; Ngài Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam – ngài Subhash Prasad Gupta; đại diện Ban giám hiệu Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội – PGS.TS.KTS. Lê Quân; Giám đốc Trường Kiến trúc và Quy hoạch Manipal – GS.TS. Ramadevi Nandeneni; Giám đốc Công ty Cổ phần An Huy – ông Đỗ Hùng Chiêu; Nghệ sĩ, giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam – Nguyễn Hữu Thông; các thầy cô giáo cùng 50 sinh viên đến từ 3 Trường đại học tham gia workshop.

Trước đó, sinh viên đã có một buổi thuyết trình cuối trong khuôn khổ workshop nhằm đề xuất các ý tưởng thiết kế kiến trúc để xây dựng và phát triển quảng bá làng nghề sơn mài Hạ Thái. Các ý tưởng rất khác biệt và mới mẻ của 10 nhóm được trình bày sinh động dưới hình thức đồ án của sinh viên ngành Kiến trúc.

Các ý tưởng hướng đến xây dựng và phát triển làng nghề sơn mài Hạ Thái trở thành không gian, điểm đến du lịch văn hóa không chỉ của thành phố Hà Nội mà còn thu hút khách du lịch Quốc tế như: Xây dựng không gian nhà trưng bày, nhà cộng đồng đa năng; mô hình bảo tàng làng nghề giới thiệu trọn vẹn các quy trình làm sơn mài và kết nối các nghệ nhân làm nghề và du khách tới trải nghiệm. Bên cạnh đó, các ý tưởng còn chú ý đến mô hình phát triển làng nghề sinh thái bền vững với các đề xuất xây dựng hệ thống lọc và xử lý nước của địa phương vừa tôn vinh vai trò nước trong quy trình sản xuất sơn mài vừa bảo vệ nguồn nước sạch trong sinh hoạt.

Xuất phát đều là các sinh viên đến từ các Trường đại học về lĩnh vực kiến trúc, vì vậy những ý tưởng đề xuất liên quan tới kiến trúc văn hóa và cộng đồng đã gây được ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với đại diện chính quyền địa phương cũng như các nghệ nhân tới để nghe các phần trình bày. Rất nhiều ý tưởng được đánh giá cao và ghi nhận từ đại diện chính quyền địa phương đặc biệt ở tinh thần làm việc rất nghiêm túc, nỗ lực, có sự quan tâm sâu sắc tới các không gian của Làng, mặc dù trong một thời gian rất ngắn và thời tiết không ủng hộ.

Sản phẩm cuối cùng là các tác phẩm tranh sơn mài được thực hiện cùng với nội dung đề xuất các thiết kế kiến trúc cho làng Hạ Thái thực sự là một kết quả tốt đẹp theo tinh thần xuyên suốt của chương trình iDiDe mà Trường Đại học Deakin đã xây dựng, cùng với tinh thần kết nối cộng đồng địa phương, kiến trúc sư và người dân trong quá trình đào tạo với triết lý “kiến trúc sư chính là những người của thực địa” – những thiết kế được xuất phát từ thực tiễn và sự trải nghiệm, am hiểu về văn hóa, truyền thống để mang lại những thiết kế kiến trúc thiết thực nhất cho cộng đồng của Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế – Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Tại buổi báo cáo, các vị khách quý đến tham dự chương trình đều bày tỏ sự vui mừng, chia sẻ và tin tưởng vào triết lý hợp tác giữa các Trường đại học, mang đến cho sinh viên những cơ hội học tập, trải nghiệm để hiểu biết sự khác biệt giữa các văn hóa, truyền thống. Đồng thời, tôn vinh, tôn trọng, giữ gìn những nét giá trị văn hóa truyền thống, di sản. Không chỉ dừng lại ở việc học tập trong khuôn khổ của nhà trường mà em sinh viên còn là những công dân toàn cầu, các kiến trúc sư trong tương lai có trách nhiệm, quan tâm đến những vấn đề lớn mà thế giới đang đặt mục tiêu hướng tới như phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đồng thời phát huy các giá trị truyền thống, hòa bình và hợp tác.

Chương trình trao 02 giải thưởng kỷ niệm dành cho các nhóm trong workshop đó là Thiết kế sơn mài và Thiết kế kiến trúc; 03 giải Thiết kế sơn mài đẹp nhất được tài trợ bởi nhà tài trợ ngành Công ty Sơn mài An Huy do Ông Đỗ Hùng Chiêu tài trợ.

Chương trình cũng trao giải thưởng Phản hồi thiết kế kiến trúc xuất sắc nhất thuộc về nhóm số 10 – Dự án “Nước sạch” (Matthew, Nguyên, Anneliese, Shrija, Rutwik). Dự án này thể hiện sự quan sát sâu sắc của nhóm về nhu cầu giải quyết vấn đề môi trường cấp bách, đó là nước thải và cung cấp nước sạch cho làng. Ý tưởng kiến trúc vừa tôn trọng hình thức tự nhiên – họa tiết hoa được sử dụng rất nhiều trong các thiết kế nghệ thuật sơn mài vừa ý tưởng hình vòm có tiềm năng phát triển thành một dự án bền vững đáp ứng rất tốt địa điểm và bối cảnh.

Dự án cộng đồng xuất sắc nhất thuộc về nhóm số 2 – The Flow / Dòng chảy (Thủy, Chow, Kitt, Maria, Thảo).

Dự án cộng đồng cho thấy nhóm thực sự hiểu mối liên hệ văn hóa và xã hội tồn tại trong làng giữa những người thợ thủ công và sự cộng sinh của họ với nhau. Những kết nối xã hội này là nhịp tim của ngôi làng và phải được bảo tồn và duy trì. Dự án này đáp ứng một giá trị văn hóa và xã hội quan trọng đối với cộng đồng.

Các em sinh viên tham dự chương trình cũng chia sẻ những niềm vui sau 3 tuần làm việc của workshop, được trải nghiệm văn hóa Việt Nam không chỉ ở Nghệ thuật sơn mài truyền thống, văn hóa đời sống mà hơn hết các em cảm thấy hạnh phúc sau quãng thời gian được cùng học hỏi, kết nối với những người bạn quốc tế của mình, khi đều là những sinh viên ngành kiến trúc từ các trường đại học, cùng tập trung hướng tới một mục tiêu của dự án đặt ra nhằm phát triển và giữ gìn nét đặc sắc trong văn hóa của Làng nghề sơn mài truyền thống Hạ Thái.

Sự có mặt của các đại diện đến từ Đại sứ quán của hai nước và Ban giám hiệu của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội là sự khích lệ động viên tinh thần rất là lớn cho các em sinh viên tham dự workshop khi nhận được sự đồng hành, ủng hộ, tạo dựng môi trường học tập và trải nghiệm với tinh thần hợp tác và chia sẻ giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các Quốc gia.