HỘI TRẠI “SÁNG TẠO KIẾN TRÚC VÀ NGHỆ THUẬT” TẠI QUY NHƠN

Hội trại “Sáng tạo Kiến trúc và Nghệ thuật” từ ngày 21-26/12 tại Quy Nhơn (Bình Định) với sự tham gia của gần 90 đại biểu là giảng viên, sinh đến từ 8 trường Đại học lớn vừa bế mạc.

Hội trại do trường Đại học Kiến trúc Hà Nội phối hợp với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE tổ chức nhằm tạo ra môi trường học thuật lý tưởng cho sinh viên các trường đại học chuyên ngành kiến trúc, nghệ thuật như Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, Đại học Quy Nhơn, Đại học Khoa học Huế, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội có cơ hội học hỏi, giao lưu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực sáng tạo.

Đây cũng là dịp để những thành viên trong Hội trại tìm hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa, con người của tỉnh Bình Định.

Hội trại bao gồm 3 trại sáng tạo với các nội dung khác nhau, với sự tham gia của nhiều trường và nhiều chuyên ngành, như: Trại vẽ mỹ thuật-ký họa; Trại thiết kế con đường danh nhân; Trại thiết kế Trình diễn nghệ thuật điêu khắc-sắp đặt.

Trong khuôn khổ của Hội trại, song song với hoạt động của các trại, 2 tọa đàm chuyên môn đã được tổ chức với mục tiêu trao đổi kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn về sáng tạo dưới nhiều góc độ.

Chương trình Tọa đàm thứ nhất xoay quanh chủ đề Kiến trúc và Nghệ thuật Pháp – Việt đã mở màn Hội trại trong ngày khai mạc. Các vấn đề về Kiến trúc và nghệ thuật Pháp-Việt được đề cập các lăng kính đa dạng.

Mở đầu là tham luận “Đào tạo kiến trúc Pháp ở Việt Nam” TS. Nguyễn Thái Huyền, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội với những chia sẻ về quá trình hình thành và những nét đặc trưng của đào tạo Kiến trúc Pháp ở ĐH Kiến trúc Hà Nội. Triết lý đào tạo Kiến trúc sư là con người của thực địa, đào tạo gắn liền với thực tiễn và mô hình Living Lab xoay quanh 4 yếu tố trường Đại học – Chính quyền – Doanh nghiệp – Cộng đồng là những nội dung chính được giới thiệu trong tham luận.

Tiếp nối câu chuyện đào tạo Kiến trúc Pháp ở Việt Nam, TS. Nguyễn Vũ Minh, Phó trưởng khoa Kiến trúc, TS. Bùi Thị Hiếu, giảng viên – Trường ĐH Khoa học Huế cũng gây ấn tượng với tham luận “Những nét đặc trưng của quy hoạch và kiến trúc thuộc địa tại thành phố Huế”. Những dấu ấn của Kiến trúc và Nghệ thuật thời Pháp thuộc được nghiên cứu bài bản đã góp phần tạo dựng nét độc đáo trong không gian xứ Huế.

Thay đổi góc nhìn về Kiến trúc thuộc địa ở Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ du lịch Làng Sông (Bình Định) mang đến một tham luận hết sức thú vị với chủ đề “Làng sông – Bức họa Kiến trúc châu Âu tuyệt đẹp giữa ruộng đồng”. Phương án thiết kế quy hoạch bảo tồn cảnh quan và Kiến trúc gắn kết với Nghệ thuật rất tinh tế, sâu sắc đạt được sự đồng tình lớn từ các nhà chuyên môn.

Cuối cùng, hoà chung câu chuyện về Kiến trúc và Nghệ thuật Pháp – Việt, TS. Đặng Thị Thanh Loan, Phó trưởng khoa Tài chính Ngân hàng và Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn đã mang đến một đề tài được thảo luận trao đổi sôi nổi nhất, đề tài “Nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch Bình Định qua các công trình kiến trúc”. Trước những trăn trở tìm kiếm nét bản sắc của tỉnh Bình Định và TP Quy Nhơn của địa phương, các nhà chuyên môn, các KTS, các Nghệ sĩ và các bạn sinh viên tham dự Hội trại đã đề xuất những gợi ý hết sức thú vị về sự cần thiết phải tạo lập bản sắc từ những công trình Kiến trúc di sản, từ những câu chuyện Lịch sử, văn hoá của địa phương, từ sự cần thiết phải đầu tư cho hình ảnh Đô thị Khoa học của Quy Nhơn. Qua đây, các thành viên tham dự hội trại cũng có dịp tìm hiểu sâu hơn về mang vẻ đẹp văn hóa, kiến trúc của Bình Định và Quy Nhơn.

Chương trình Toạ đàm thứ hai dưới hình thức Art Talk có chủ đề ” Tính ứng dụng trong việc đào tạo điêu khắc ở Việt Nam nói chung và tại trường ĐH Kiến trúc nói riêng – Từ thực trạng đến giải pháp”.

Nổi bật trong buổi Art Talk là chia sẻ về « Public Art for Urban Spaces/Nghệ thuật công cộng cho không gian đô thị» của KTS, nhà Nghệ thuật Hàn Quốc Son Hye Kyung, giảng viên thỉnh giảng chương trình Kiến trúc tiên tiến của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Là giảng viên giàu kinh nghiệm đào tạo và làm thực tế tại Anh, Mỹ, KTS Son Hye Kyung đã tổng hợp và giới thiệu góc nhìn về Nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị thông qua chuỗi các công trình và không gian nghệ thuật công cộng tại Anh, Mỹ, Hàn Quốc với những phân tích hết sức thú vị về ý nghĩa, công năng, câu chuyện của mỗi không gian.

Tiếp nối câu chuyện về Nghệ thuật công cộng ở nước ngoài, Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Trần Ưu Đàm đã chia sẻ câu chuyện làm nghệ thuật ở Việt Nam, những điểm khác biệt, những câu chuyện rất riêng và độc đáo. Ngoài ra, Nghệ sĩ cũng giới thiệu những thông điệp gửi gắm tới giới trẻ, tới cộng đồng thông qua một loạt các dự án anh đã và đang thực hiện Eco-Đi, Time Boomerang, License 2 Draw, Rồng rắn lên (Serpents’ Tails),…

Cũng trong đợt Hội trại này, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã khai trương “Triển lãm các tác phẩm điêu khắc của sinh viên”, thu hút được lượng lớn bình luận tích cực từ cộng đồng và nhiều lời khen tặng từ các trường Đại học khác. Ba tác phẩm điêu khắc đã ngay lập tức được các nhà sưu tập đặt mua.

Trong một tuần diễn ra, Hội trại đã mang lại tinh thần giao lưu học hỏi sâu sắc, gắn kết trao đổi kiến thức và nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm giữa các đơn vị chuyên ngành kiến trúc, nghệ thuật, giữa nghệ sĩ với cộng đồng, giữa đào tạo với doanh nghiệp và địa phương.

Bế mạc Hội trại, Ban Tổ chức trao giải 1 giải nhất, 2 giải nhì và 3 giải ba cho trại thiết kế mỹ thuật – ký họa; 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải khuyến khích cho trại thiết kế con đường danh nhân; 1 giải ấn tượng và 1 giải sáng tạo cho trại thiết kế trình diễn nghệ thuật điêu khắc – sắp đặt.

Sau hội trại, các tác phẩm, ấn phẩm sẽ được trưng bày tại Trung tâm ICISE và sau đó sẽ được biên tập, xuất bản dưới nhiều hình thức (tài liệu tham khảo, sách online,…) để giới thiệu rộng rãi tới các sinh viên chuyên ngành Kiến trúc, Nghệ thuật và tới công chúng.