KHỐI LIÊN MINH HỢP TÁC CHẶT CHẼ GIỮA CÁC TRƯỜNG

Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã hợp tác với trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse từ năm 2000, tiếp đó là hợp tác với Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie và Đại học Kiến trúc và Cảnh quan Quốc gia Bordeaux. Sau 20 năm, quan hệ hợp tác đã dần được củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội đồng thành phố Toulouse, Vùng Midi- Pyrénées (nay là vùng Occitanie), của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Văn phòng đại diện khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse đã cùng Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết lập chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ dành riêng cho các trường Kiến trúc (DPEA), được cấp thẩm quyền hai phía Pháp-Việt công nhận.
Chương trình Thạc sĩ DPEA « Thiết kế đô thị, di sản và phát triển bền vững » đào tạo các kiến trúc sư Việt Nam, Campuchia, Lào cũng như các kiến trúc sư Pháp muốn học tập, trao đổi, về những vấn đề thực tiễn ở Đông Nam Á gắn với di sản và phát triển đô thị bền vững.
Năm 2009, số liệu khảo sát cho thấy nhu cầu về đào tạo và nghề nghiệp tuy nhiên sự quan tâm về cảnh quan còn rất hạn chế. Do đó, chương trình đào tạo Pháp ngữ bậc Đại học chuyên ngành kiến trúc và cảnh quan (FAP) ra đời với mong muốn gắn kết kiến trúc và cảnh quan
Những phát kiến đào tạo mới mẻ này đã nhanh chóng phát triển và thúc đẩy quá trình trao đổi thực tiễn và kinh nghiệm trong bối cảnh giao thoa văn hóa và đã giúp nhiều học viên tinh chỉnh công tác quản lý dự án của họ và/hoặc đảm nhận những chức vụ quan trọng ở địa phương và quốc gia. Hầu hết các Tiến sĩ được đào tạo từ Thạc sĩ DPEA hiện là giảng viên cơ hữu, nòng cốt tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Sự hợp tác liên trường, liên văn hóa và đồng xây dựng này còn quan tâm tới các thách thức xã hội lớn mà Việt Nam hiện nay phải đối mặt, đó là: sự biến đổi của « nông thôn », sự phát triển xã hội đô thị và các phương thức sống mới, cũng như sự biến đổi cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và quản lý tài nguyên nước, sự phát triển khái niệm di sản và phát triển du lịch. Lĩnh vực « cảnh quan » và « môi trường » giữ một vị trí trọng tâm. Ngoài ra, quá trình hợp tác cũng là một cách để củng cố kinh nghiệm và các phương pháp làm việc của châu Âu vì nhiều sinh viên ngành kiến trúc và cảnh quan đã được trau dồi kiến thức nhờ các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế.
Dựa trên sức mạnh của quá trình hợp tác này cùng việc ghi nhận chuyên môn của các lĩnh vực ngành nghề, một liên minh bao gồm các trường Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie, Bordeaux, Toulouse và Paris Belleville và Đại học Kiến trúc Hà nội đã ra đời. Điều này cho phép xây dựng một chương trình đào tạo Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ được chuyển giao hoàn chỉnh với sự hỗ trợ của AUF và của Bộ Văn hóa Pháp. Mỗi trường của Pháp điều phối một trong các bậc đào tạo và nguồn nhân lực và tài chính được sử dụng chung để hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh hợp tác cùng có lợi cho tất cả các bên.
Giáo sư Fabienne Fendrich
Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Quốc gia Normandie (2009-2018)
Giáo sư Pierre Fernandez
Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Quốc gia Toulouse
PGS.TS Lê Quân
Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Giáo sư Camille Zvenigorodsky
Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc và Cảnh quan Quốc gia Bordeaux
Giáo sư Francois Brouat
Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Quốc gia Paris Belleville