TALKSHOW “ĐÀO TẠO KIẾN TRÚC CẢNH QUAN VÀ TIẾP CẬN CẢNH QUAN”

Ngày 17/05/2023, Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế đã tổ chức buổi trao đổi chuyên môn với chủ đề « Đào tạo Kiến trúc Cảnh quan và Tiếp cận Cảnh quan »

(Landscape training and approach) tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Buổi trao đổi có sự tham gia của bốn diễn giả:

– TS.KTS-CQ. Victoria Jane Marshall, chuyên viên nghiên cứu cấp cao, Chương trình Thạc sĩ Kiến trúc Cảnh quan, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Quốc gia Singapore.

– GS.TSKH.KTS. Shin Koseki, Chủ toạ chương trình Cảnh quan Đô thị của UNESCO, Đại học Montréal.

– TS.KTS-CQ. Nguyễn Tiến Tâm, giảng viên Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

– ThS.KTS-CQ. Bùi Thị Thuý Ngọc, giảng viên Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tại buổi nói chuyện, các diễn giả đã chia sẻ những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tế của bản thân về việc thực hành và đào tạo Kiến trúc Cảnh quan.

  1. Tâm và ThS. Ngọc chia sẻ về hoạt động và triết lý đào tạo Kiến trúc – Cảnh quan tại Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ngay từ năm 2010, trong khi Kiến trúc – Cảnh quan vẫn còn là một chuyên ngành xa lạ tại Việt Nam, thì Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã rất sớm xây dựng một chương trình đào tạo trong lĩnh vực này có tên Chương trình Kiến trúc Cảnh quan Pháp ngữ (Filière francophone Architecture – Paysage – FAP). Chương trình này được thiết lập dựa trên mối hợp tác quốc tế với nhiều trường Đại học Kiến trúc (Cảnh quan) Quốc gia của Cộng hòa Pháp (Bordeaux, Normandie, Toulouse và Grenoble). Triết lý đào tạo “Con người của Thực địa” được thúc đẩy và được kế thừa xuyên suốt thời gian hoạt động của chương trình.
  2. Victoria chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế đa dạng qua quá trình học tập và làm việc của bản thân trong ngành Kiến trúc – Cảnh quan tại nhiều quốc gia (Úc, Mỹ, Ấn Độ, Singapore). Đặc biệt TS. Victoria cũng giới thiệu chương trình Kiến trúc Cảnh quan tại Đại học Quốc gia Singapore, với triết lý dựa trên Kiến thức, Thiết kế, Nghiên cứu, hướng tới Bình đẳng xã hội và sinh thái.

GS.TS. Shin chia sẻ về hoạt động đào tạo Kiến trúc – Cảnh quan tại Đại học Montréal cũng như hoạt động của chương trình Cảnh quan Đô thị của UNESCO. Một trong những hoạt động nổi bật của chương trình là chuỗi Workshop Atelier Terrain (WAT) UNESCO. Đây là một dự án nghiên cứu nâng cao năng lực thiết kế thông qua hoạt động hợp tác quốc tế và đưa ra các giải pháp sáng tạo cho vấn đề đô thị ở các thành phố khác nhau trên thế giới. Năm 2023, WAT UNESCO đã lựa chọn khu vực sông Hồng chảy qua trung tâm Hà Nội để nghiên cứu mối quan hệ, sự phát triển của đô thị và mặt nước, với mục tiêu “Khôi phục lại kết nối bền vững giữa đô thị và dòng sông, hướng tới nền kinh tế sáng tạo – “Reclaiming a Sustainable Connection Towards a Creative Economy”.

Buổi nói chuyện đã thu hút được sự chú ý của các giảng viên và nhà chuyên môn trong ngành Kiến trúc Cảnh quan tới tham dự. Sau phần chia sẻ của các diễn giả, các khán giả đã có cơ hội giao lưu và trao đổi mở về các chủ đề liên quan. Sự kiện đã diễn ra sôi nổi và tích cực, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển trong ngành Kiến trúc Cảnh quan giữa các đơn vị quốc tế.